Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

Vì sao ông Đinh Đức Lập vội vàng “từ bỏ” quyền sử dụng trụ sở báo Đại Đoàn Kết tại Đà Nẵng và chuyển giao cho tư nhân?


Những sai phạm có hệ thống của ông Đinh Đức Lập tại báo Đại Đoàn Kết [8]

Bài 08:

Vì sao ông Đinh Đức Lập vội vàng “từ bỏ” quyền sử dụng trụ sở báo Đại Đoàn Kết tại Đà Nẵng và chuyển   giao cho tư nhân?

Trong quá trình phát triển, báo Đại Đoàn Kết từ lâu đã có nhiều văn phòng thường trú tại các địa phương. Một trong những văn phòng thường trú khá lâu đời của báo là Văn phòng thường trú Trung Trung bộ có trụ sở tại Đà Nẵng. Chính quyền địa phương tại Đà Nẵng có chính sách hỗ trợ cho các cơ quan báo chí trung ương nhiều điều kiện ưu đãi để có được cơ sở vật chất, hạ tầng làm báo khang trang. Trong đó có báo Đại Đoàn Kết là một tờ báo uy tín và có bề dày lịch sử của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà tiền thân là các tờ Cứu Quốc của Tổng bộ Việt Minh, tờ Giải Phóng của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Một trong những sự hỗ trợ cụ thể, thiết thực của chính quyền Đà Nẵng là chuyển giao quyền sử dụng đất và hóa giá căn nhà số 82 Trần Quốc Toản cho báo Đại Đoàn Kết với mục đích làm Văn phòng thường trú khu vực Trung Trung bộ của báo. Ngày 19/7/2004 UBND TP. Đà Nẵng đã ra Quyết định số 5755/QĐ-UB chuyển quyền sử dụng đất tại số nhà 82 Trần Quốc Toản cho báo Đại Đoàn Kết để làm trụ sở văn phòng thường trú. Như vậy, bất động sản tọa lạc tại số 82 Trần Quốc Toản, thành phố Đà Nẵng từ ngày 19/7/2004 thuộc quyền sử dụng của báo Đại Đoàn Kết vẫn là công sản thuộc sở hữu Nhà nước. Báo Đại Đoàn kết là một cơ quan của MTTQ Việt Nam, được xếp vào loại hình đơn vị hành chính sự nghiệp công lập.

Việc UBND TP. Đà Nẵng chuyển quyền sử dụng đất và nhà 82 Trần Quốc Toản cho báo Đại Đoàn Kết sử dụng làm Văn phòng thường trú Trung Trung bộ mang ý nghĩa to lớn về sự quan tâm của chính quyền địa phương nhằm hỗ trợ một đơn vị công lập là cơ quan ngôn luận của một tổ chức chính trị rộng lớn (MTTQVN) có điều kiện hoạt động hiệu quả tại khu vực góp phần vào sự phát triển lớn mạnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Bất động sản số 82 Trần Quốc Toản, thành phố Đà Nẵng do đó cũng chỉ chuyển giao từ đơn vị công lập này sang đơn vị công lập khác, tức là vẫn phải đảm bảo tính chất sở hữu Nhà nước của tài sản. Không thể có chuyện một công ty tư nhân nào đó lại có thể nhận được sự ưu ái đặc biệt như vậy. Luật pháp không cho phép các chính quyền địa phương, hay bất kỳ một cơ quan công lập nào dễ dàng bán nhà đất sở hữu Nhà nước cho tư nhân.

Do vậy, khi UBND TP.Đà Nẵng chuyển quyền sử dụng đất và nhà 82 Trần Quồc Toản, Đà Nẵng cho báo Đại Đoàn Kết đến khi ông Lập bán công sản này cho công ty tư nhân, trước pháp luật tòa nhà này vẫn thuộc quyền sử dụng của báo Đại Đoàn Kết. Có nghĩa là cho tới thời điểm ông Lập bán nhà đất này cho tư nhân thì bất động sản tọa lạc ở số 82 Trần Quốc Toản, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng vẫn thuộc diện công sản thuộc sở hữu nhà nước. Hoàn toàn không thể viện dẫn bất kỳ lý do gì để một cơ quan thuộc dạng đơn vị hành chính sự nghiệp công lập như báo Đại Đoàn Kết lại có thể bán công sản mà Nhà nước giao cho mình sử dụng trong hoạt động công vụ cho tư nhân một cách đơn giản như vậy được.

Có lẽ cũng cần nói thêm là, công tác quản lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước trong một thời gian khá dài sau đổi mới là một trong những lĩnh vực phát sinh rất nhiều tiêu cực và là một điểm nóng của công tác phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Vì lĩnh vực này có liên quan tới nhiều nguồn tài sản có giá trị rất lớn trong khi cơ chế pháp lý để kiểm soát còn nhiều khe hở để các phần tử xấu dễ dàng lách luật hoặc công khai làm trái rồi chạy tội bằng vật chính vật chất thu được từ các hành vi bất chính này. Rất nhiều vụ án, nhiều vụ tiêu cực có liên quan tới yếu tố cơ quan Nhà nước, cơ quan đoàn thể chính trị - xã hội tranh thủ sự bất cập, lỏng lẽo của cơ chế pháp lý, đã lạm dụng công sản, sử dụng lãng phí, tùy tiện, chuyển nhượng, hoặc bán nhà đất sở hữu Nhà nước cho tư nhân núp bóng dưới rất nhiều hình thức nhằm qua mặt cơ quan quản lý Nhà nước.

Trong bối cảnh nhức nhối đó của thực trạng quản lý công sản, trước nguy cơ nhiều tài sản công mà đặc biệt là nhà và đất thuộc sở hữu Nhà nước bị tư nhân hóa với giá rẻ bèo cùng với sự lạm quyền của những người có chức vụ quyền hạn trong lĩnh vực này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm chấn chỉnh tình hình, kiểm soát và quản lý tốt hơn việc sử dụng lãng phí, thất thoát, bán rẻ nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước. Trong đó có Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước.

Điều 1 quy định đối tượng và phạm vi áp dụng của Quyết định 09 nêu rõ: “Quyết định này quy định việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh (sau đây gọi chung là cơ sở nhà, đất) thuộc sở hữu Nhà nước giao cho cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý, sử dụng gồm: a) Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp); ...”. Báo Đại Đoàn Kết như đã nói là cơ quan của MTTQVN, một tổ chức chính trị - xã hội, do đó cũng thuộc diện đơn vị hành chính sự nghiệp công lập.  Các tài sản nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước giao cho báo Đại Đoàn Kết sử dụng cho mục đích công vụ phải chịu sự điều chỉnh của Quyết định này, cũng như các cơ sở pháp luật khác của Nhà nước về quản lý tài sản, nhà đất công vụ. Không thể có việc lãnh đạo báo Đại Đoàn Kết tùy tiện thích ký kết liên doanh, hợp tác như thế nào cũng được hoặc nghiêm trọng hơn là tùy tiện từ bỏ quyền sử dụng, chuyển nhượng cho tư nhân chẳng hạn.

Cho đến ngày 20/2/2011 Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết vẫn khẳng định nhà đất công sản số 82 Trần Quốc Toản, Đà Nẵng là của UBND TP. Đà Nẵng chuyển quyền sử dụng cho báo Đại Đoàn Kết, tại công văn số 12/CV/ĐĐK.BBT do Phó tổng biên tập Nguyễn Minh Ngọc thay mặt Ban Biên tập ký gởi cho Công ty xây dựng 79, là một công ty tư nhân có thỏa thuận hợp tác khai thác, sử dụng tòa nhà này với Văn phòng thường trú Trung Trung bộ,  lúc đó do nhà báo Trương Duy Nhất làm Trưởng văn phòng.

Thế nhưng, ngày 24/4/2011, ông Đinh Đức Lập – tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết đột nhiên đã ký một văn bản chuyển giao toàn bộ nhà và đất nói trên cho một công ty tư nhân để nhận “bồi thường” cho báo Đại Đoàn Kết 1.000.000.000 đồng (một tỷ đồng). Kể từ đó, báo Đại Đoàn Kết mất quyền sử dụng công sản số 82 Trần Quốc Toản, Đà Nẵng để làm văn phòng thường trú mà phải đi thuê một trụ sở khác.







Cũng cần nói thêm rằng, tòa nhà số 82 Trần Quốc Toản có vị trí mặt tiền trên đường phố chính, trung tâm thương mại sầm uất của thành phố Đà Nẵng. Theo giới chuyên môn kinh doanh bất động sản, giá trị của công sản này vào thời điểm ông Lập ký văn bản bán cho tư nhân phải lên tới hàng chục tỷ đồng. Việc báo Đại Đoàn Kết chỉ được nhận “bồi thường” 1 tỷ đồng là không xứng đáng với trị giá thật của bất động sản mà theo pháp luật báo Đại Đoàn Kết đang có quyền sử dụng hợp pháp.

Biên bản ngày 20/4/2011 cho thấy, ông Đinh Đức Lập thừa nhận cơ sở thỏa thuận cũng như nội dung hợp tác giữa báo Đại Đoàn Kết với Công ty 79  “theo các quy định của pháp luật thì nhiều nội dung thỏa thuận, một số văn bản giấy tờ chưa hợp lý, tuy nhiên do tính chất lịch sử và yêu cầu khách quan nên phải chấp nhận”. Đồng thời ông Lập cũng “cam kết không còn khiếu kiện gì liên quan đến quyền sử dụng sở hữu nhà đất tại 82 Trần Quốc Toản, thành phố Đà Nẵng”. Nếu trong đất nước này ai ai cũng viện dẫn “tính chất lịch sử và yêu cầu khách quan” như ông Lập để làm trái pháp luật (trong trường hợp này là để bán rẻ công sản Nhà nước cho tư nhân) thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Liên quan tới việc bán công sản số 82 Trần Quốc Toản của báo Đại Đoàn Kết, dư luận từng xôn xao về việc xuất hiện một clip trên mạng có ghi tiếng nói được cho là của ông Lập vu khống hai đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị [tham khảo ở đây]. Những người từng biết và làm việc nhiều năm với ông Lập hầu như đều nhận ra giọng nói rất đặc trưng của ông Lập trong clip này.  Theo nội dung phát biểu trong clip đó thì hai đồng chí Ủy  viên Bộ Chính trị đã có tác động nhằm thúc đẩy ông Lập đi tới quyết định bán đứt bất động sản này cho Công ty 79 ở Đà Nẵng. Nhiều nhà báo đang làm việc tại báo Đại Đoàn Kết cũng đã có đơn tố cáo lên cơ quan chức năng về vụ việc này. Trong đó có gởi đơn tới UBTWMTTQ Việt Nam. Song cho tới nay vẫn chưa thấy có kết luận cụ thể về vụ việc ông Lập được cho là có phát biểu vu khống hai đồng chí ủy viên Bộ Chính trị là như thế nào? Ngay trong kết luận (bản tóm tắt mà những người tố cáo được đọc cho nghe, không cung cấp văn bản theo quy định của pháp luật) của MTTQ Việt Nam về các nội dung tố cáo ông Lập cũng bỏ qua vấn đề này. Thiết tưởng, đây là một sự việc rất nghiêm trọng liên quan tới uy tín của các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các cơ quan chức năng không thể để cho vụ việc “chìm xuồng” khi mà dư luận đã xôn xao và xã hội đã rất quan tâm.

Điều đáng nói là việc bán công sản Văn phòng thường trú báo Đại Đoàn Kết tại Đà Nẵng của ông Đinh Đức Lập cũng chưa bao giờ được công bố minh bạch, công khai trước tập thể. Thậm chí nhiều nhà báo, các lãnh đạo ban của báo Đại Đoàn Kết làm việc tại đây nhiều năm qua nhưng cũng chưa bao giờ được bàn bạc, hay được thông báo gì về việc bán nhà đất công sản này của báo. Không ít người chỉ khi nghe xôn xao trong dư luận, qua tìm hiểu thông tin trên mạng thì mới biết được có chuyện bán chác công sản đầy khuất tất của báo Đại Đoàn Kết ở Đà Nẵng.

Ông Lập thì bào chữa, báo chẳng mất gì lại được 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, không ít người thắc mắc vì sao người đứng đầu của báo lại phải vội vội vàng vàng “từ bỏ” quyền sử dụng công sản của báo Đại Đoàn Kết ở Đà Nẵng, một tài sản có giá trị hơn 1 tỷ đồng rất nhiều lần? Trong khi họ có thể “sửa chữa” các sai lầm “trong lịch sử” liên quan tới tòa nhà này bằng cách nhờ tới các cơ quan pháp luật hay tòa án. Hơn nữa, vì sao ông Lập lại có thể tùy tiện làm sai mục đích sử dụng tòa nhà này một khi chính quyền Đà Nẵng chuyển giao quyền sử dụng cho Đại Đoàn Kết với mục đích rất rõ là để làm nhà công vụ (trụ sở Văn phòng thường trú Trung Trung bộ). Cam kết “từ bỏ” quyền sử dụng công sản tại Đà Nẵng và chuyển giao công sản cho tư nhân chỉ vì “tính chất lịch sử và yêu cầu khách quan nên phải chấp nhận” như ông Lập ghi trong biên bản ngày 20/4/2011 có phải là lời giải thích hợp pháp không?

Câu trả lời xin dành cho các cơ quan chức năng có trách nhiệm giám sát, thanh tra việc quản lý, sử dụng nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước theo pháp luật.

(Còn tiếp)


Mời quý vị theo dõi đầy đủ loạt bài “Những sai phạm có hệ thống của ông Đinh Đức Lập tại báo Đại Đoàn Kết”:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét